Được phát hành lần đầu năm 2010, đến nay, “Đô thị vị nhân sinh” (tựa đề gốc tiếng Anh: “Cities for People”) đã được dịch ra 33 ngôn ngữ trên thế giới và bản tiếng Việt.
Cuốn sách này ra mắt độc giả Việt Nam hôm 20/03 vừa qua. Đây là ấn bản ngôn ngữ thứ 34 của cuốn sách có thể nói là “kinh điển” của GS.KTS Jan Gehl người Đan Mạch, tổng kết nửa thế kỷ hoạt động nghề nghiệp của ông trên phạm vi toàn cầu.
Quay về bối cảnh cuối những năm 1950, đầu những năm 1960, khi Jan Gehl mới tốt nghiệp ở Đan Mạch và bắt đầu làm việc tại châu Âu, kiến trúc hiện đại đã trở thành trào lưu phát triển mạnh mẽ và lan rộng ra toàn cầu. Đặc trưng của kiến trúc hiện đại là sự quan tâm đến tính hoành tráng của kiến trúc, thông qua những dự án quy hoạch quy mô lớn và những tòa nhà kỳ vĩ, nơi phô diễn sức mạnh của công nghệ và kỹ thuật như là yếu tố nâng tầm và hiện thực hóa những ý tưởng trước kia chỉ tồn tại trên bản vẽ của những kiến trúc sư giàu trí tưởng tượng nhất. Trong trường, những gì mà Jan Gehl được giảng dạy là những dự án quy hoạch tầm cỡ như Brasilia ở Brazil và những tòa nhà hình hộp khổng lồ ngạo nghễ chiếm lĩnh khoảng không đô thị ở Tây Âu và Bắc Mỹ được đa số công chúng và không ít nhân vật có tiếng tăm của giới kiến trúc sư lúc bấy giờ tán dương. Do vậy, trong những năm tháng theo học kiến trúc và những năm đầu hành nghề trong thực tiễn, Jahn Gehl ít nhiều chịu ảnh hưởng từ tư tưởng nói trên.
Tuy nhiên, qua thực tiễn công việc, ông sớm nhận ra rằng kiến trúc hiện đại những năm 1950 – 1960 dường như bỏ qua một yếu tố hết sức quan trọng, song cũng rất quen thuộc, đến mức người ta dường như không mấy bận tâm trong dòng chảy cuồn cuộn của kiến trúc hiện đại, đó là những đặc điểm thể chất, tâm lý và tình cảm của con người. Trong những không gian tưởng chừng đẹp đẽ đó, con người cảm thấy lẻ loi và không có sự gắn bó. Họ sử dụng không gian và cảm nhận không gian một cách lý tính và thiếu cảm xúc. Những biểu hiện này qua sự quan sát và ghi chép của Jan Gehl ngày một nhiều hơn và rõ rệt hơn. Ông đi đến quyết định “học lại” kiến trúc dưới một góc nhìn khác, nhân văn hơn, và ý định đó càng được thôi thúc khi ông gặp một nhà tâm lý học với một câu hỏi đơn giản nhưng khiến ông lúng túng khi trả lời – người sau này là bạn đời của Jan Gehl. Đại ý câu hỏi đó là vì sao các trường kiến trúc lại không dạy môn học nghiên cứu tâm lý người sử dụng – thiếu môn học đó, các công trình thiết kế ra dù đẹp đến mấy cũng không hoàn thiện.
Từ thời điểm đó, công việc của Jan Gehl rẽ sang một ngả khác, hướng đến yếu tố nhân văn trong quy hoạch và thiết kế đô thị. Trong mọi thiết kế của Jan Gehl, dù lớn hay nhỏ, con người luôn là yếu tố hàng đầu. Danh tiếng của Jan Gehl được bồi đắp qua năm tháng và những dự án của ông có tầm ảnh hưởng rất lớn. Nhiều đô thị hàng đầu thế giới như New York ở Hoa Kỳ, London ở Anh Quốc, Sydney và Melbourne ở Úc, … đã mời Jan Gehl làm cố vấn cấp cao cho các dự án tái thiết đô thị. Đến năm 2009, sau gần nửa thế kỷ hành nghề, ông nhận được lời đề nghị viết và tổng kết tất cả những trải nghiệm, những chắt lọc của ông qua thực tiễn công việc. Đó chính là lý do cuốn “Đô thị vị nhân sinh” dày hơn 250 trang ra đời và lập tức gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế khi ra mắt giới học thuật và công chúng. Tất cả các trường đào tạo kiến trúc lớn trên thế giới ngày nay đều sử dụng cuốn sách này làm giáo trình giảng dạy hoặc tài liệu tham khảo cho sinh viên.
Trong cuốn sách gồm 7 phần, Jan Gehl làm rõ từng khía cạnh của bốn tiêu chí cơ bản nhất được tổng kết của một đô thị “đáng sống”: sống động, an toàn, bền vững và lành mạnh. Tất cả đều gắn với hoạt động hàng ngày và những cảm xúc rất đời thường của con người, căn cứ trên các yếu tố định tính và định lượng. Một đô thị tốt, theo Jan Gehl, phải khiến con người ham thích vận động (bằng cách đi bộ hoặc đạp xe đạp), khát khao trải nghiệm (qua rất nhiều hoạt động và hình thức nghệ thuật), với tỷ lệ thích hợp để mọi thứ thu gọn trong tầm mắt và tác động trực tiếp đến các giác quan, đem lại những cảm nhận đầy đủ.
Bên cạnh đó, tác giả cũng làm rõ những cơ hội cũng như thách thức mà các đô thị trên thế giới ngày nay đang gặp phải. Không chỉ ở các quốc gia đang phát triển mà cả những nơi cuộc sống vốn đã đạt đến mức độ chất lượng rất cao cũng không tránh khỏi những khó khăn và vướng mắc này.
Ở phần cuối của cuốn sách, tác giả tóm lược nội dung của 6 phần trước đó làm dẫn luận cho một số nguyên lý về quy hoạch và đặc biệt đã tổng kết 12 tiêu chí chất lượng của một đô thị tốt cho con người. Đó là những bài học kinh nghiệm thực tế quý báu và là “cẩm nang” cho tất cả những ai làm công tác quy hoạch cũng như thiết kế đô thị.
Với Việt Nam, các đô thị của chúng ta đang trên đà phát triển mạnh, nơi nọ nơi kia, lúc này lúc khác, chúng ta vẫn nghe, thấy và biết có những “điểm nóng” cùng các vấn đề “nổi cộm”, đa số đều là những luận điểm đã được trình bày trong cuốn “Đô thị vị nhân sinh” của Jan Gehl. Ông đã nhắc chúng ta nhớ lại nhiều điều cơ bản, được dạy cũng như không được dạy trong trường. Và trong lễ ra mắt sách, giao lưu với độc giả Việt Nam, Jan Gehl chúc sự phát triển đô thị ở Việt Nam sẽ thu được nhiều thành công, theo những tư tưởng mà ông đã gửi gắm qua trang sách.